Khi tìm kiếm trực tuyến với từ khóa “liệu pháp điều trị tự kỷ cho trẻ em,” bạn sẽ nhận được hơn 50 triệu kết quả với vô vàn thông tin về các phương pháp điều trị khác nhau. Từ các phương pháp phổ biến như Phân tích hành vi ứng dụng (ABA), trị liệu ngôn ngữ, và hoạt động trị liệu, cho đến những phương pháp độc đáo như trị liệu bằng ngựa, chế độ ăn kiêng, buồng trị liệu oxy cao áp, và kích thích xúc giác xen kẽ. Ngoài ra, còn có những phương pháp tiên tiến như trị liệu hành vi, liệu pháp thải sắt, liệu pháp sốc điện, và vô số các phương pháp khác đang được nghiên cứu và áp dụng trong cộng đồng.

Đối diện với sự đa dạng và lựa chọn hợp lý

Với mong muốn mang lại điều tốt nhất cho con, cha mẹ thường sẵn sàng thử nghiệm bất kỳ liệu pháp nào có thể giúp trẻ tiến bộ. Tuy nhiên, việc xác định liệu pháp nào thực sự hiệu quả lại là một thách thức lớn, khiến họ đôi khi bối rối. Vậy, làm thế nào để phụ huynh biết được liệu pháp nào thực sự mang lại hiệu quả giữa vô số các lựa chọn sẵn có?

Câu trả lời nằm ở “liệu pháp điều trị thực chứng” (Evidence-Based). Đơn giản mà nói, “liệu pháp điều trị thực chứng” là những phương pháp đã được các nhà khoa học chứng minh là hiệu quả trong việc giúp đỡ và hỗ trợ trẻ em đối mặt với những vấn đề cụ thể. Tìm kiếm thông tin về tính chứng thực của một liệu pháp sẽ giúp bạn phân biệt giữa những liệu pháp đã được chứng minh là hữu ích cho nhiều trẻ tự kỷ và những liệu pháp mà hiệu quả của chúng vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Liệu pháp điều trị thực chứng là gì? 

Mặc dù khái niệm “liệu pháp dựa trên thực chứng” có thể nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực chất định nghĩa của nó khá đơn giản. Trước hết, liệu pháp này yêu cầu có nghiên cứu khoa học nghiêm túc về phương pháp điều trị, với sự tham gia của một số lượng đáng kể các cá nhân và dữ liệu thống kê cho thấy sự cải thiện rõ rệt. Các nhà khoa học sử dụng những công cụ toán học tiên tiến để đánh giá liệu liệu pháp có mang lại cải thiện hay không, bằng cách so sánh với các phương pháp điều trị đối chứng ngẫu nhiên hoặc các yếu tố không liên quan.

Ngoài ra, thực chứng còn bao gồm việc một nhóm chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau đánh giá và phân tích kết quả từ thí nghiệm đó. Điều này đảm bảo tính đáng tin cậy của thông tin, được kiểm chứng và được nhân rộng bởi các nhà nghiên cứu độc lập với nhiều cấp độ chuyên sâu khác nhau.

Sự quan trọng của ”Liệu pháp điều trị thực chứng” cho trẻ tự kỷ

Liệu pháp điều trị thực chứng đối với rối loạn phổ tự kỷ (ASD) đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì nó đã được chứng minh là hiệu quả đối với một số lượng đáng kể trẻ tự kỷ và được cộng đồng khoa học công nhận và ủng hộ.

Đôi khi, cha mẹ có thể dễ bị dao động khi nghe một phụ huynh khác chia sẻ về việc một liệu pháp đã giúp ích cho con của họ. Tuy nhiên, nếu thiếu chứng cứ khoa học, chúng ta không thể biết liệu pháp đó thực sự hiệu quả cho trẻ hay không, và cũng không thể giải thích tại sao lại như vậy. Sự tiến triển của một đứa trẻ thông qua liệu pháp tự kỷ không phải lúc nào cũng có thể áp dụng cho trẻ khác.

Mặc dù hầu hết các liệu pháp chưa được chứng minh hiệu quả có thể không gây tổn hại trực tiếp cho con bạn. Nhưng rủi ro lớn nhất là lãng phí thời gian quý báu. Thời gian mà con bạn dành hàng tuần cho một liệu pháp chưa được kiểm chứng có thể được sử dụng hiệu quả hơn cho một chương trình đã được chứng minh là có hiệu quả. Việc này thậm chí có thể khiến con bạn bỏ lỡ cơ hội quan trọng để tiến bộ.

Được chứng thực hay chưa? 

Việc đánh giá liệu pháp điều trị tự kỷ và xem xét liệu nó có được chứng minh một cách khoa học hay không không phải là điều khó khăn. Chỉ cần đặt ra một vài câu hỏi đơn giản, bạn có thể thu thập thông tin cần thiết để đưa ra quyết định sáng suốt.

Liệu pháp này đã được chứng thực chưa?
Đây là một câu hỏi cơ bản nhưng rất quan trọng mà bạn nên đặt ra cho mọi liệu pháp bạn đang xem xét. Câu trả lời “không” không nhất thiết phải là dấu chấm hết cho việc lựa chọn liệu pháp. Nhưng nó giúp bạn đánh giá liệu liệu pháp đó có xứng đáng và phù hợp với kế hoạch điều trị của con bạn không.

Có bao nhiêu nghiên cứu đã được tiến hành về liệu pháp này?

Mặc dù không có con số cụ thể, bạn nên tìm kiếm các liệu pháp điều trị có ít nhất từ 5 đến 10 nghiên cứu về mỗi khía cạnh kỹ năng hoặc hành vi được đo lường. Ví dụ, đã có hơn 600 nghiên cứu chứng minh rằng Phân tích hành vi ứng dụng (ABA) có hiệu quả đối với trẻ tự kỷ.

Đối tượng trẻ em tham gia nghiên cứu là ai?

Phụ huynh thường hiểu rằng hầu hết trẻ tự kỷ cần được hỗ trợ ở nhiều khía cạnh. Một liệu pháp thực chứng chỉ thật sự có giá trị nếu nó giúp trẻ đối phó với những thách thức mà con bạn đang gặp phải. Tìm kiếm các nghiên cứu được thực hiện trên trẻ có nhu cầu tương tự như con bạn là lựa chọn tốt nhất.

 Các chuyên gia từ các lĩnh vực khác đã xác nhận kết quả không?

Nếu một nhóm chuyên gia như nhà trị liệu ngôn ngữ, nhà phân tích hành vi, và giáo viên đều đồng ý với chất lượng của một nghiên cứu, bạn có thể tin tưởng hơn vào kết quả đó.

Bạn cũng có thểm tìm kiếm các nguồn tài nguyên bổ sung giá khác như: Trung tâm Tự kỷ Quốc gia (NAC – Hoa Kỳ) đã xuất bản một báo cáo năm 2015 có tựa đề Dự án Tiêu chuẩn Quốc gia, Giai đoạn 2 . Đây là đánh giá lớn nhất về nghiên cứu chứng tự kỷ cho đến nay. Báo cáo này bao gồm danh sách các tổ chức cung cấp đánh giá có hệ thống về nghiên cứu tự kỷ. Chẳng hạn như Trung tâm Phát triển Chuyên môn Quốc gia về Rối loạn Phổ Tự kỷ ( NPDC – Hoa Kỳ) và Cơ quan Nghiên cứu và chất lượng y tế (AHRQ – Hoa Kỳ) 

Cảnh giác với các rủi ro 

Không phải mọi nghiên cứu về liệu pháp tự kỷ đều đảm bảo chất lượng khoa học. Bạn không cần phải là một chuyên gia về phương pháp nghiên cứu hay thống kê. Nhưng cần phải thận trọng để tránh những liệu pháp mà bạn có nghi ngờ về tính xác thực.

Hãy bắt đầu bằng cách tìm kiếm sự tư vấn từ những chuyên gia đáng tin cậy, như nhà phân tích hành vi, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ, bác sĩ nhi khoa hoặc các chuyên gia lâm sàng khác. Họ có thể hỗ trợ bạn trong việc đánh giá các tài liệu liên quan đến liệu pháp điều trị tự kỷ mà bạn quan tâm.

Cảnh giác với các rủi ro: 

  • Nghiên cứu “Kinh doanh”

Một hoặc hai nghiên cứu ủng hộ liệu pháp tự kỷ có thể được thiết kế để tạo ra kết quả tích cực, đặc biệt khi những nghiên cứu này được thực hiện hoặc tài trợ bởi các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này. Nhiều doanh nghiệp liên quan đến liệu pháp điều trị tự kỷ đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Do đó, họ có thể tuyên bố rằng phương pháp điều trị của họ đã được chứng thực, ngay cả khi chưa có bằng chứng khoa học nào được công bố.

  • Thiếu dữ liệu

Thông tin về dữ liệu và phương pháp sử dụng trong nghiên cứu cần được công khai để các nhà nghiên cứu khác có thể xem xét và nhân rộng kết quả. Sự thiếu minh bạch này có thể làm giảm độ tin cậy của các nghiên cứu và khiến người khác nghi ngờ về tính xác thực của chúng.

  • Cam kết không đáng tin cậy

    Hãy cảnh giác với những nghiên cứu tuyên bố rằng liệu pháp điều trị tự kỷ của họ hiệu quả hơn bất kỳ liệu pháp nào khác. Cần thận trọng với những kết quả dường như quá tốt đến mức khó tin, ngay cả khi bạn rất mong muốn con mình có sự tiến bộ nhanh chóng.

  • Các liệu pháp chưa được thiết lập

Một số đánh giá lớn về nghiên cứu tự kỷ đã cung cấp danh sách các “biện pháp can thiệp chưa được thiết lập.” Theo hội đồng chuyên gia về tự kỷ từ nhiều lĩnh vực, những liệu pháp này chưa có đủ bằng chứng về hiệu quả của chúng. Các nghiên cứu hiện có có thể không đáp ứng các tiêu chuẩn khoa học chấp nhận được, không chứng minh được tác dụng của liệu pháp, hoặc thậm chí có thể cho thấy tác dụng tiêu cực.

Xem Dự án Tiêu chuẩn Quốc gia, Giai đoạn 2 , trang 72 để biết danh sách các phương pháp điều trị chưa được thiết lập cho chứng tự kỷ. 

Liệu pháp điều trị thực chứng 

Phương pháp điều trị dựa trên thực chứng cho trẻ tự kỷ không chỉ đơn thuần dựa vào bằng chứng về hiệu quả trong điều trị rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Mà quan trọng hơn, là cách thức triển khai phương pháp đó một khía cạnh mà các chuyên gia thường gọi là “thực hành dựa trên bằng chứng.”

Để chứng minh sự tiến triển trong quá trình điều trị, các nhà cung cấp dịch vụ thường xuyên thu thập dữ liệu. Dù bạn có thể nhận thấy những thay đổi trong hành vi của con mình. Nhưng việc liên tục thu thập và chia sẻ dữ liệu là rất quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và chứng minh sự cải thiện thực sự. Nếu sau vài tháng không có sự tiến bộ đáng kể, có thể cần phải xem xét lại liệu pháp điều trị đang áp dụng.

Điều quan trọng cần nhớ là mỗi đứa trẻ tự kỷ đều có những nhu cầu riêng biệt. Do đó, không có một phương pháp điều trị thực chứng nào có thể đảm bảo sẽ phù hợp với tất cả mọi trường hợp.

bang chung so voi suy doan lam the nao de biet lieu phap dieu tri tu ky co hieu qua 300x169 - Bằng chứng so với suy đoán : Làm thế nào để biết liệu pháp điều trị tự kỷ có hiệu quả

Đưa ra quyết định sáng suốt

Danh sách các phương pháp điều trị cho chứng tự kỷ ngày càng mở rộng và liên tục được bổ sung mỗi năm. May mắn thay, sự xuất hiện của những phương pháp mới mang đến cơ hội cho con bạn học hỏi và phát triển. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là nhiều phương pháp trong số này chưa được kiểm chứng và xác minh đầy đủ.

Trước vô vàn lựa chọn, việc tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất để giúp con phát huy tối đa tiềm năng luôn là thách thức lớn đối với các bậc phụ huynh. Các phương pháp có cơ sở khoa học và đã được chứng minh thường là sự lựa chọn an toàn và đáng tin cậy nhất để khởi đầu. Và thường đóng vai trò nền tảng trong kế hoạch điều trị cho con bạn. Mặc dù có những phương pháp chưa được chứng minh hoặc xác nhận, chúng cũng có thể mang lại lợi ích cho con bạn. Tuy nhiên, lựa chọn những phương pháp này thường giống như việc tham gia vào một trò chơi may rủi.

Có nhiều cách để đánh giá các phương pháp điều trị tự kỷ. Từ việc nghe chia sẻ kinh nghiệm từ những người khác đến việc tra cứu thông tin trên internet. Tuy nhiên, việc kiểm tra sự hỗ trợ từ các nghiên cứu thực chứng là một trong những công cụ đáng tin cậy nhất, giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho con mình.

 

Bài viết của tác giả Stephanie Bates, BACB, một nhà phân tích hành vi, được biên dịch bởi Hoa Sen Kép

5/5 - (15 bình chọn)